Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Giải Thoát


Cơn động đất tại Nepal vào tháng 4 vừa qua đã trở thành một thảm họa kinh hoàng trong mắt nhiều người. Tuy nhiên, đối với hàng nghìn đứa trẻ tại Nepal thì nó lại mang tới một cuộc sống mới, một cơ hội mới cho nửa triệu trẻ em tại đất nước này.



Trước khi cơn động đất xảy ra, Sumitra là một trong số những đứa trẻ ấy. Bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ, em được một “bà cô” đem về nuôi dưỡng cho tới khi đủ lớn để “giúp việc nhà”. Từ đó, em phải làm mọi công việc trong nhà: Từ giặt giũ, quét dọn, nấu nướng… cho tới chăm sóc một đứa trẻ chỉ ít hơn em một tuổi. Nếu làm không tốt, gia đình “bà cô” sẽ đánh đập em không thương tiếc. Những khi ít việc, họ thậm chí còn “cho thuê” em và tiền công tất nhiên là sẽ rơi vào túi của họ. Vậy mà vào ngày cơn động đất xảy ra, những người kia đều cố gắng chạy thoát thân mà “quên” mất cô bé chỉ mới 11 tuổi còn kẹt lại.
   Và khi cơn động đất qua đi, họ không hề quan tâm tới sự sống chết của một bé gái đang bị vùi lấp trong đống đổ nát ngay trước mắt. Cuối cùng, sau khi được giải thoát, Sumitra đã phải tự mình đi tới trạm cứu hộ với một cơ thể đầy thương tích và được đưa tới một trung tâm chăm sóc trẻ em do UNICEF tài trợ.
  Tuy nhiên, Sumitra chỉ là một trong số hàng nghìn đứa trẻ tại Nepal may mắn có cơ hội đổi đời sau thảm họa động đất kinh hoàng đó. Bởi trước kia, quyền trẻ em tại Nepal vẫn luôn bị xem nhẹ: Hơn nửa triệu trẻ em phải lao động như người lớn trong khi hàng chục nghìn đứa trẻ khác bị lừa bán vào các nhà thổ tại Trung Quốc hay Ấn Độ, hoặc bị bắt cóc để lấy nội tạng trước sự làm ngơ của chính phủ Nepal. Khi các tổ chức nước ngoài bắt đầu tới đây để tiến hành công tác khắc phục thảm họa thì quyền trẻ em mới trở thành một vấn đề được quan tâm đặc biệt. Hàng chục trung tâm chăm sóc trẻ em được lập ra khắp Nepal để hỗ trợ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trạm kiểm soát được lập ra dọc theo biên giới Nepal để ngăn chặn hoạt động buôn bán người trái phép. Từ cuối tháng 5, những trạm kiểm soát này đã cứu thoát gần 800 phụ nữ và trẻ em khỏi tay những kẻ buôn người vô nhân tính.
  Nhờ vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, cơn ác mộng của các em đã kết thúc và giờ đây các em đã có thể tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng với hàng trăm nghìn đứa trẻ khác tại Nepal, đó vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời.
 - Câu chuyện trên đã xảy ra tại đất nước Nêpan là một nỗi bất hạnh xảy ra đối với những đứa trẻ bị giam cầm như những người nô lệ trong những nơi nghèo khó của đất nước này.
-  Bài Tin mừng Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên cũng nói về sự "Giải thoát" cho người phụ nữ bị quỷ ám suốt 18 năm trời, mà Chúa đã ra tay trong ngày Sabbat. Điều này làm cho ta thấy được tình thương vô biên của Thiên Chúa cho dù đụng phải sự cấm kỵ bởi điều luật của người Do Thái.
-  Lạy Chúa xin phá bỏ mọi xiềng xích xấu xa đang trói buộc con, để con biết ca tụng, thờ phượng Thiên Chúa. Cũng như con phải biết quan tâm và giải phóng người khác trong lao nhọc, sầu khổ.
Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên
Lời Chúa: 
Lc 13,10-17
Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: "Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.
Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat".
Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?"
Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét